Thi hành Luật_10-59

Việc hành quyết những người bị kết tội ban đầu được thực hiện bằng máy chém với mục đích răn đe, gây khiếp sợ cho những người cộng sản. Cũng với mục đích này, chính phủ Ngô Đình Diệm đặt máy chém giữa các chợ Trung Hòa, Tân An Hội (Củ Chi), kèm theo lời đe dọa: "Ai liên quan đến cộng sản sẽ mất đầu".[3]

Nhiều vụ xử chém của Việt Nam Cộng hòa được diễn ra công khai trước dân chúng, đầu phạm nhân được bêu để thị uy:

  • Báo The Straits Times (Singapore) ngày 24 tháng 7 năm 1959 có bài viết tường thuật cảnh 1.000 người dân xem xử chém công khai ở Sài Gòn[4]
  • Báo Buổi sáng (Sài Gòn) ngày 12-10-1959 có đăng ảnh máy chém kèm chú thích “Đây là chiếc máy chém (ảnh) đã chặt đầu tên Cộng sản Võ Song Nhơn, ngay lập tức sau khi tòa tuyên án”[5]Tài liệu tham khảo không cụ thể. 3 ngày sau, Báo Buổi sáng (Sài Gòn) ngày 15-10-1959 có đăng tin: “Theo một phán quyết của phiên xử vắng mặt của Tòa án Quân sự Đặc biệt ngày 02 tháng 10, Nguyễn Văn Lép, tức Tư Út Lép, một Việt Cộng, đã bị tuyên án tử hình. Cách đây một tuần, Lép đã bị sa vào lưới của Cảnh sát trong một khu rừng ở Tây Ninh. Bản án tử hình đã được thi hành … Hiện đầu và gan của tên tử tù đã được Hội đồng xã Hào Đước cho đem bêu trước dân chúng”[6].
  • Tờ "Công báo" phát hành tại Sài Gòn ngày 23-5-1962 thông báo việc xử bằng máy chém diễn công khai bằng hàng tít cỡ lớn: "4 ÁN TỬ HÌNH - 1 giáo sư, 1 học sinh, 1 cựu binh nhì và 1 vô nghề nghiệp sẽ bị đoạn đầu bằng máy chém."[7]

Chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức những đội vũ trang có nhiệm vụ chống cộng đưa về các địa phương. Các đội này hoạt động rất tích cực và dùng nhiều biện pháp giết người bị lên án. Cho đến năm 1959, ở Củ Chi đã có 500 người bị moi gan mổ bụng, 600 người bị dồn vào bao bố cột đá dìm xuống sông, 150 người bị buộc vào sau xe ôtô kéo trên đường đá.... Toàn bộ số cán bộ ở Củ Chi bị bắt, bị giết lên đến 75%.[8]